Cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ teak ngập tràn màu sắc. Không gian giao thoa cũ – mới mang đến những rung cảm đặc biệt… Đó chỉ là một vài lời miêu tả về The Heng House – ngôi nhà được cải tạo lại của một giáo viên dạy pilates và bố mẹ của cô.
The Heng House – Ngôi nhà của một giáo viên dạy pilates mang vẻ đẹp giao thoa truyền thống và hiện đại ấn tượng
The Heng House là một ngôi nhà liền kề. Trước khi cải tạo, nhà rất tối tăm, chật chội, không gian thiết kế lạc hậu và kém hiệu quả: bếp nhỏ và hẹp, các phòng khác tuy rộng nhưng cách bố trí, sắp xếp không hợp lý. KTS chia sẻ: “Trước đây, ngôi nhà đã được cải tạo lại để tối đa hóa diện tích sàn. Nhưng chính phần gác lửng bổ sung lại làm giảm ánh sáng tự nhiên và thông gió vào trong nhà nên chủ nhà phải bật điều hòa liên tục”.
Phần mặt tiền của ngôi nhà trước đây khá tối và khép kín
Sau khi cải tạo, mặt tiền của ngôi nhà được đưa ra phía trước nhiều hơn, bức tường bê tông đục lỗ thoáng được giữ lại, cửa sổ và cửa ra vào làm bằng gỗ tái chế sơn nhiều màu khác nhau
Chủ nhà hiện tại, cô Sandra Heng hiện đang sống cùng với bố mẹ. Vào cuối tuần, cô thường tổ chức các buổi workshop pilates miễn phí cho những người gặp vấn đề về vận động do chấn thương hoặc do tuổi già. Cha của cô là một tình nguyện viên hỗ trợ dịch vụ cho nhà tù, ông thường gặp gỡ các bạn tù cũ mỗi tuần để giúp họ kết nối lại với cộng đồng địa phương. Do đó, Sandra cần một studio cho công việc của cô và cha cô cũng cần 1 không gian có thể tổ chức các cuộc họp mặt đông người.
KTS đã tận dụng cách chia tầng ban đầu của ngôi nhà để thiết kế thêm khoảng sân trong mới giúp kết nối các khu vực khác
Bước vào The Heng House, ấn tượng đầu tiên là khoảng không gian mở gồm khu vực ăn uống, bếp. Những khu vực riêng tư nằm ở phía sau. Mặt tiền ngôi nhà khá thoáng để tăng cường thông gió chéo. Không gian sinh hoạt chung của The Heng House được phân chia thành các khu vực chức năng nhỏ 1 cách tinh tế thông qua đồ nội thất và độ cao sàn. Ví dụ: khách đến nhà có thể tụ tập ở phía trước đảo bếp, ngồi ở các bậc thềm trong khoảng sân trong hay tập trung lại ở khu vực tiếp khách.
Cửa trượt kính giúp phân tách căn bếp với các khu vực khác, hạn chế mùi thức ăn khi nấu nướng và vẫn giữ được sự kết nối trực quan
Không gian bán ngoài trời nằm ở tiền sảnh của ngôi nhà cũ, dưới giếng trời và ngay cạnh bức tường bê tông đục lỗ thoáng. Nơi đây cũng gần với căn bếp nên có thể lọc được mùi nấu ăn hiệu quả
KTS đã giữ lại và nâng cấp sàn gỗ teak ở ngôi nhà cũ
Giống như bức tường bê tông đục lỗ thoáng, các cánh cửa gỗ giúp kiểm soát ánh sáng, thông gió và tầm nhìn. Cửa sơn nhiều màu sắc khác nhau tạo nên sự sống động và thú vị. KTS chia sẻ rằng việc tập hợp các loại cửa sổ, cửa ra vào khá khó khăn, họ đã tìm mua ở nhiều xưởng thợ mộc tại địa phương để kết hợp được các khung cửa tinh xảo, có phong cách truyền thống này lại với nhau.
Những khung cửa sổ đầy màu sắc tựa như một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng
Việc cân bằng giữa mục đích trang trí và việc sử dụng được chức năng của cửa sổ thực sự là một bài toán khó. Thậm chí, đội ngũ KTS đã phải dựng mô hình 3D để giải quyết bài toán này. Ở một số cánh cửa, các nghệ nhân tại Java đã khôi phục lại họa tiết búp sen hé nở, tượng trưng cho những tiềm năng khai sáng bẩm sinh ở con người, phù hợp với triết lý sống của Sandra cũng như ý tưởng xuyên suốt dự án.
KTS đã phải tham khảo ý kiến từ rất nhiều chuyên gia, có cả giảng viên Andi Putranto từ Khoa Đại học Gadjah Mada ở Yogyakarta – chuyên gia sưu tầm và khôi phục những mẫu cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ teak từ những ngôi nhà đổ nát xung quanh Java. Cửa trước và bộ cửa sổ của The Heng House được tận dụng từ một ngôi nhà được xây dựng vào khoảng những năm 1950
Để mang lại cảm giác hài hòa cho ngôi nhà, KTS đã nghiên cứu kỹ thuật làm mát thụ động, đơn giản ở kiểu nhà kampong tại địa phương. Kiểu làm mát này cho phép người ở bên trong cảm thấy thoải mái trong thời gian dài mà không cần sử dụng nhiều đến thiết bị hiện đại.
Giống như nhiều kiểu nhà truyền thống ở vùng Đông Nam Á, sân trong vừa là trung tâm sinh hoạt của ngôi nhà vừa là yếu tố kết nối các không gian khác nhau
Một giếng trời và khoảng sân trong mới ở trung tâm sẽ giúp không gian nội thất thêm thoáng đãng. Khu vực này có thể trồng cây, dựng thêm băng ghế để trở thành khu vườn trong nhà, mang đến cảm nhận thân thiện, chào đón. KTS cũng khôi phục lại cửa sổ mái trên gác, giúp không gian càng thêm mát mẻ. KTS chia sẻ: “Buổi chiều sẽ càng thêm đẹp khi bạn nhìn thấy ánh nắng mặt trời xuyên qua ngôi nhà, nó mang đến một cảm giác tràn đầy sức sống”.
Trước đây, cửa sổ phòng ngủ ở trên gác thường xuyên bị đóng chặt thì nay đã được mở để lấy ánh sáng vào phòng và xuống dưới nhà
Nhà bếp được di chuyển lên phía trước ngôi nhà. Đây là cách bố trí độc đáo và mang lại tính tiện lợi cao. Gia chủ cho biết: hầu hết sự giao tiếp, tương tác giữa các thành viên hàng ngày đều liên quan đến ăn uống và diễn ra ở căn bếp này. Do đó, việc đặt bếp ở vị trí nhiều ánh sáng, có tầm nhìn rộng ra mọi khu vực trong nhà là điều cần thiết. Căn bếp liên kết với nhiều không gian khác giúp cả gia đình gần gũi hơn. Các thành viên có thể vừa chuẩn bị thức ăn, đọc sách, xem tivi một cách thuận tiện.
Những khung cửa sổ gỗ tái chế giúp không gian càng thêm sống động, tương phản với khu bếp màu xám bê tông ở bên dưới
Trước đây, nội thất của The Heng House vừa chật chội, vừa tối tăm
Ánh sáng tràn vào trong không gian ngôi nhà liền kề thông qua khoảng sân mới. Khoảng sân này cũng là nơi cả gia đình tụ tập, nằm giữa các khu vực chức năng như bếp, phòng ăn và phòng khách
Vì ngôi nhà có thể vào từ 2 lối khác nhau nên KTS đã bố trí phòng của bố mẹ nằm ở phía sau để họ có thể đi lại thuận tiện nếu Sandra tổ chức một cuộc tụ họp ở phía trước. Điều đặc biệt của The Heng House là cách tận dụng hiệu quả những thứ dường như không thể sử dụng được nữa. Đây chính là minh chứng rằng cuộc sống bền vững không phải lúc nào cũng cần đến công nghệ cao.
Bằng cách nâng cao trần, KTS đã giúp không gian studio thêm thông thoáng
So với trước đây, ngôi nhà mới thông thoáng hơn rất nhiều
Phòng ngủ của Sandra ngập tràn ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ phía sau và cửa sổ hướng ra sân trong
Bố mẹ cô hàng ngày cũng chăm chút cho khu vườn, các bác trồng chuối, đu đủ và các loại rau thơm.
Giờ đây, The Heng House không chỉ là tổ ấm mà còn là nơi để Sandra và bố mẹ cô tiếp đón bạn bè, khách hàng. Người lớn có thể vừa chuẩn bị bữa ăn trong bếp vừa quan sát lũ trẻ, cảm giác vui vẻ nhộn nhịp lan tỏa trong không gian thoáng đãng, ấm áp.
Bản vẽ chi tiết công trình
Thông tin chi tiết công trình:
- Tên công trình: The Heng House
- Đơn vị thiết kế: Goy Architects
- Địa điểm: Singapore
- Nhóm dự án: Goy Zhenru, Dessy Anggadewi, Sam Loetman
- Nhà thầu: Towner Construction Pte Ltd
- Năm dự án: 2018
- Ảnh: Fabian Ong