Nếu như bạn đang ở trong ngôi nhà chật chội nhưng lại không có điều kiện phá dỡ xây lại nhà mới thì việc cải tạo là giải pháp phù hợp. Thế nhưng việc sửa chữa nhà như thế nào để tiết kiệm chi phí nhất có thể lại là “bài toán khó”.
5 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí cải tạo nhà
Hiện trạng ngôi nhà
Hiện trạng ngôi nhà sẽ ảnh hưởng đến số lượng hạng mục cần sửa chữa. Các gia chủ cần kiểm tra nền móng đất hiện tại có đảm bảo việc cải tạo không, hệ thống đường điện, nước có cần sửa chữa gì, có phải phá dỡ tường, vách ngăn hoặc xây mới thêm khu vực nào không,… Nếu các điều kiện phần khung của ngôi nhà cũ vẫn đảm bảo để xây sửa sẽ giúp các gia chủ tiết kiệm đáng kể chi phí cải tạo vì phần cải tạo nền móng khá tốn chi phí khi phải xử lý kết cấu chịu lực của ngôi nhà. Ngoài ra, các gia chủ cũng cần xác định rõ lý do mình cải tạo nhà để lựa chọn các hạng mục sửa chữa phù hợp, việc phát sinh nhu cầu sẽ dẫn đến phát sinh chi phi cải tạo.
Gia chủ cần kiểm tra hiện trạng ngôi nhà kết hợp với mong muốn của mình để xác định rõ các hạng mục cần nâng cấp sửa chữa
Điều kiện thi công
Điều kiện thi công bất lợi sẽ làm chi phí cải tạo nhà tăng lên đó là: nhà có diện tích xây dựng nhỏ (dưới 30m2) và nằm sâu trong hẻm nhỏ hơn 4m, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, máy móc, ép cọc, đổ bê tông… từ đó khiến phí nhân công bị đẩy lên cao hơn.
Phong cách thiết kế
Có nhiều phong cách thiết kế để các gia chủ lựa chọn: cổ điển, tân cổ điển, hiện đại, tối giản, Japandi, Vintage, Indochine… Mỗi phong cách sẽ có yêu cầu về cách thiết kế, bài trí và sử dụng nội thất khác nhau. Phong cách tân cổ điển và cổ điển có nét đặc trưng là phù điêu, phào chỉ, đây là những chi tiết đòi hỏi các thợ thi công phải có tay nghề cao, ngoài ra tùy thuộc vào độ khó của chi tiết và số lượng mà chi phí thiết kế, thi công của 2 phong cách này sẽ cao hơn so với phong cách hiện đại, tối giản.
Vật tư xây dựng, hoàn thiện
Giá thành của nguyên vật liệu bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố là địa điểm xây dựng và loại nguyên vật liệu. Nếu ngôi nhà bạn xây sửa nằm tại thành phố thì các vật liệu sẽ có giá cao hơn so với vùng nông thôn. Ngoài ra, điều kiện vận chuyển vật liệu trong thành phố cũng khắt khe nên tác động một phần đến chi phí vận chuyển, làm giá thành nguyên vật liệu cao.
Gia chủ chọn loại nguyên vật liệu nào để xây sửa cho nhà sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí cải tạo. Chẳng hạn như việc xây sửa phần thô, tường gạch có thể xây 100mm, nhưng nếu gia chủ muốn xây tường gạch 200mm để đảm bảo độ bền, cách âm, cách nhiệt thì chi phí sẽ tăng lên.
Việc thay đổi loại vật tư sẽ tác động đến sự tăng lên hay giảm xuống của chi phí cải tạo
Đồ nội thất
Trong việc cải tạo, xây sửa nhà thì việc mua sắm đồ nội thất khiến các gia chủ tốn khá nhiều chi phí. Lựa chọn đồ nội thất như thế nào phụ thuộc vào phong cách thiết kế, nhu cầu mong muốn và sở thích của gia chủ. Nếu phong cách thiết kế tối giản sẽ có chi phí thấp hơn các phong cách đòi hỏi sự cầu kỳ trang trí. Bên cạnh đó, gia chủ yêu cầu sử dụng đồ nội thất cao cấp thì mức chi phí chắc chắn sẽ cao hơn so với bình thường.
5 cách để tiết kiệm chi phí cải tạo nhà
Lên kế hoạch cải tạo chi tiết kèm chi phí dự kiến
Hãy lên kế hoạch tu sửa chi tiết cho ngôi nhà của bạn gồm cả chi phí dự trù. Khi xác định được khoảng ngân sách sửa nhà, gia chủ sẽ thuận tiện hơn khi trao đổi với nhà thầu. Để hạn chế mức chi phí phát sinh bị đội lên quá lớn, bạn nên lên kế hoạch cụ thể về những hạng mục cần ưu tiên đầu tư sửa chữa hay xây mới.
Các gia chủ nên lập một bảng chi phí xây dựng bao gồm các mục: chi phí nhân công chiếm từ 20-35% tổng ngân sách; chi phí nguyên vật liệu xây dựng, hoàn thiện nhà; chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt; chi phí sinh hoạt trong thời gian cải tạo nhà như thuê chi phí gửi đồ đạc, thuê trọ tạm. Ngoài ra, chi phí xây nhà 1 tầng, nhà cấp 4 sẽ khác xây nhà cao tầng. Do đó, các gia chủ cần nắm rõ các thông tin này để xác định được khoảng chi phí đầu tư xây sửa nhà.
Tìm đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu uy tín
Nhiều gia chủ không thuê đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công chuyên nghiệp để tiết kiệm chi phí cải tạo nhà. Tuy nhiên, với các gia chủ lần đầu xây sửa, cải tạo nhà chưa có kinh nghiệm thì điều này có thể sẽ trở thành nguyên nhân khiến chi phí bị đội lên vì kết quả cải tạo không như ý muốn, mất thêm thời gian, công sức và tiền bạc để sửa chữa lại. Trong khi đó, các đơn vị thiết kế uy tín sẽ giúp các gia chủ có được phương án cải tạo hợp lý với mức ngân sách mà bạn đưa ra ngay từ ban đầu, có kế hoạch thi công rõ ràng, chọn vật liệu phù hợp.
Đơn vị thiết kế sẽ lên bản thiết kế nhà giúp gia chủ xác định được các phần cần cải tạo, đảm bảo kết cấu chung và tính thẩm mỹ cho ngôi nhà (Nguồn ảnh: Brown Box)
Lựa chọn vật liệu, đồ nội thất phù hợp
Nếu ngân sách có hạn thì các gia chủ nên tính toán cẩn thận ở bước lựa chọn vật liệu. Nên chọn những vật liệu có giá thành phải chăng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng và tính thẩm mỹ. Chẳng hạn như thay vì chọn hoàn toàn đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên, bạn có thể thay thế bằng gỗ công nghiệp, nhựa cao cấp hay đồ inox. Ngoài ra, phong cách thiết kế hiện đại, tối giản sẽ giúp các gia chủ tiết kiệm chi phí xây dựng so với phong cách cổ điển, tân cổ điển, vì vậy các gia chủ có thể cân nhắc vấn đề này để giảm chi phí nguyên vật liệu và đồ nội thất.
Tận dụng đồ nội thất của nhà cũ
Nếu đồ nội thất của ngôi nhà cũ vẫn còn sử dụng được thì các gia chủ nên tận dụng thay vì mua mới, có thể sơn sửa, tân trang một chút để đồ đạc trông mới hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm tới các cửa hàng đồ cũ để giảm thiểu chi phí sắm mới nội thất.
Tự thực hiện một số hạng mục đơn giản
Bạn cũng có thể tự làm một số hạng mục trong khả năng của mình để tiết kiệm chi phí cho việc cải tạo nhà như trang trí sân vườn, tự đóng kệ tủ trong nhà, hoặc sơn, dán tường. Tuy nhiên, nếu bạn không có kinh nghiệm thì tốt nhất nên nhờ sự hỗ trợ của thợ chuyên nghiệp và các đơn vị thiết kế uy tín để việc cải tạo công trình hiệu quả hơn.
Gia chủ cũng có thể tự tay cải tạo những phần đơn giản trong ngôi nhà để tiết kiệm chi phí sửa nhà (Nguồn ảnh: Hồ Ngọc Quân)
Trên đây là một số thông tin giúp gia chủ có thể cắt giảm chi phí cải tạo nhà hiệu quả, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo độ bền đẹp của ngôi nhà. Hi vọng những gợi ý này sẽ giúp bạn có thể sửa chữa, cải tạo lại tổ ấm của mình một cách tốt nhất và tiết kiệm nhất để có được ngôi nhà mơ ước.