Ngôi nhà Blinds townhouse vô cùng đặc biệt, không chỉ là không gian sống của ba thế hệ, nó còn có những tấm rèm che chiều nắng Tây “ý tứ”, “phong tình”. Lớp màn chắn đó cũng chính là điểm nhấn độc đáo để ngôi nhà ấy có cái tên Blinds hay còn gọi nhà mặt rèm. Tuy vậy, không dừng lại ở vẻ bề ngoài khác lạ, sự sâu sắc trong thiết kế của Chơn.a một lần nữa được thể hiện mãnh liệt.
Ngôi nhà mặt rèm với câu chuyện kiến trúc lồng ghép với câu chuyện của một đời người
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền cao nguyên đầy gió, chủ nhân căn nhà Blinds Town house dịch chuyển vào vùng đất biển thơ mộng bậc nhất Việt Nam – Nha Trang để thay đổi trải nghiệm cuộc sống của cả gia đình. Trên mảnh đất gần 100m2, họ quyết định xây một ngôi nhà dành cho cả ba thế hệ. Trong đó sự quấn quýt chung riêng của những thế hệ khác nhau phải được gắn kết hài hòa, thân thiết. Nhưng đó chưa hẳn là yếu tố quyết định nên hình thái đặc biệt của ngôi nhà, để biết được lý do, câu chuyện sẽ được quay ngược trở về thời điểm thi công.
Mặt tiền ấn tượng với những tấm “mành che” khổng lồ
Từ khi còn là khu đất trống, chủ nhân mảnh đất đã cùng KTS bỏ ra nhiều giờ vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày để ngồi ngắm hướng nắng, đường đi của ánh sáng và gió. Thời điểm khi ánh nắng phía Tây mạnh mẽ nhất cũng chính là lúc KTS nhận ra vẻ đẹp chân thực của thứ ánh sáng “xế tà”, đậm màu, đằm thắm khác hẳn với ánh nắng tươi mới, mơn man của bình minh. Vậy là ý tưởng chợt lóe lên trong đầu khiến người thiết kế đi tìm thêm yếu tố rung cảm của cảnh quan bao quanh. Nó như một cách tìm kiếm thêm lý do để củng cố vững chắc quan điểm thiết kế mặt tiền dạng mành che mà họ nghĩ tới.
Mành che được làm từ thép và lưới thép – tính truyền thống trong nhà Việt cổ được thể hiện qua vật liệu mới
Thật vừa vặn khi đối diện căn nhà là cả một khoảng đất trống đầy cỏ xanh mà theo quy hoạch vùng thì nới đó sẽ là công viên tản bộ dành cho cư dân của khu đô thị mới. Vậy là cái ý tứ của KTS được củng cố thêm bằng sự thuận lợi của vị trí ngôi nhà. KTS muốn mở đầu cho Blinds bằng câu chuyện ứng xử nhân văn giữa con người và thiên nhiên. Đó là giải pháp hoà nhập giữa không gian sống vào cảnh quan chung, tạo dựng một mặt rèm che nắng mềm mại theo lối kiến trúc truyền thống nhưng sử dụng chất liệu hiện đại là thép và lưới thép. Một kiến trúc ẩn mình giữa khoảng xanh ít ỏi trong lòng đô thị mới từ khía cạnh cảm thụ thị giác.
Một kiến trúc ẩn mình giữa khoảng xanh
Chất liệu thép và lưới thép trong tính toán của KTS sẽ không còn nguyên màu bởi thời gian và mưa nắng. Sự tinh tế trong thiết kế cũng vì vậy được bộc lộ rõ nét khi lớp gỉ sét theo thời gian cũng được tính toán đến. Thay vì khắc phục, họ coi đó là một sự “trưởng thành” cần thiết của công trình khi mà cây xanh trong công viên cũng vừa đủ tầm cao để công trình hoà nhập sâu sắc hơn với thiên nhiên thông qua sự tương tác về sắc màu. Và ở đây, câu chuyện “mành che”không dừng lại đơn thuần ở việc xây dựng một ngôi nhà mà nó còn là câu chuyện đối thoại giữa kiến trúc cùng cảnh quan. Một sự đề cao cần thiết trong cách ứng xử với cảnh quan thiên nhiên đô thị từ người thiết kế.
Sự “trưởng thành” của công trình theo năm tháng
Ngôi nhà hướng tây giờ không còn sợ nắng
Một không gian sống trong ngoài đủ đầy tươi mới
Sự kết nối không gian theo đa chiều được thiết lập chặt chẽ đầy tình tứ. Nếu như chiều không gian từ ngoài vào trong được giữ mạch xanh, thoáng. Đó là khi mà cửa nhà với khoảng xanh của quang cảnh, tiến sâu vào trong một không gian mộc mạc với nội thất gỗ không quá cầu kì rồi xuyên qua phòng khách, phòng bếp dẫn đến khu “nội hoa viên” nho nhỏ ở phía sau nhà – đây cũng chính là nơi đặt căn phòng nghỉ dưỡng dành cho ông bà…
Bắt đầu từ hướng mặt tiền tiếp cận với khoảng xanh
Bao bọc bởi thiên nhiên tươi mát
Xuyên qua phòng khách và bếp mộc mạc
Căn bếp nhỏ mang hơi thở “ngày xưa”
Rồi dẫn lối ra khu vườn nhỏ
Căn phòng nhỏ dành riêng cho ông bà
…thì ở mạch không gian thẳng đứng, KTS giữ nguyên khoảng thở xuyên suốt từ dưới lên trên với lưới nằm bắt ngang trên vườn hoa nhỏ, với những khoảng thông tầng lấy sáng từ trên xuống và với những không gian đệm thêm “sắc xanh của cây cảnh”. Những bậc cầu thang xếp lệch tầng, uốn quanh trục chính của căn nhà như dải lụa dần mở ra những khoảng không gian chung riêng đầy ý nhị.
Ngôi nhà được kết nối theo chiều thẳng đứng với những khoảng thở đan xen giữa các tầng nhà
Những góc xanh đơn giản nhưng lại gây ấn tượng lớn
Một khoảng giếng trời đón sáng
Chiều không gian cuối cùng mà ngôi nhà kết nối là chiều quá khứ – hiện tại. Cây khế và những kỉ vật xưa cũ về ngôi nhà của ông một thời trên mảnh đất cao nguyên được đặt lại trong không gian mới đầy hoài niệm. Gốc khế hơn 20 năm tuổi được trồng ở vị trí nhiều ánh sáng và nắng, được đón gió và hứng sương đêm đúng nghĩa sự sống của một đời cây. Nó là điểm mút kết nối mọi thành viên trong gia đình, và cũng là không gian mở đón thiên nhiên vào nhà với bóng nắng xuyên qua những tán khế, gió mát từ biển và làn sương đêm.
Những đồ nội thất gỗ đã lên màu thời gian được sắp đặt trong các khoảng không gian chuyển tiếp giữa vùng sáng và bóng tối. Ánh sáng nhè nhẹ hắt lên từ những bề mặt gỗ, chúng tạo ra cái không khí hoài niệm không quá bóng loáng cũng không hề sẫm tối u ám.
Nội thất ấn tượng, mộc mạc mang màu hoài niệm xưa
Vật liệu xây dựng cùng nước sơn là những yếu tố chuyển tiếp thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Nó kéo quá khứ đến gần hơn và đẩy hiện tại lùi lại gần hơn một chút để điểm gặp chung của hai chiều thời gian hòa làm một.
Vật liệu mới, nước sơn mới nhưng là “mới vừa đủ” để hòa hợp với “miền xưa” trong kí ức của các thành viên
Chiều không gian sáng tối, cặp phạm trù luôn đối nghịch về thị giác nhưng đồng nhất về cảm giác
Kết nối tất cả những thủ pháp thiết kế thân thiện với thiên nhiên hay cách bài trí nội thất đầy hoài niệm nhưng không mất đi tính hiện đại đương thời chính là yếu tố sắp đặt sáng – tối của từng khoảng không gian sống. Yếu tố ánh sáng và bóng tối được truyền tải phù hợp dựa trên sự cảm nhận thị giác sinh học theo từng lứa tuổi thành viên gia đình. Chính sự trọn vẹn trong cách sắp đặt ánh sáng mà KTS đã thay chủ nhà kể về câu chuyện của ba thế hệ: trẻ trung – chững chạc – trầm lặng với ba sự chuyển tiếp cảm nhận về cuộc sống khác nhau…
Bóng nắng lúc chiều tà tạo nên những khoảng sáng tối ấn tượng
Không gian sinh hoạt nào cũng được tạo nên hai miền sáng – tối đối lập
Tuy đối lập thật đấy nhưng lại đẩy xúc cảm đến cùng một nơi
Đó là một không gian sống nhẹ nhàng, êm đềm đến từng giây từng phút
Ánh sáng và bóng tối là yếu tố cốt lõi được tập trung khai thác tối đa với vai trò cân bằng nhau và tạo nên cảm xúc. Giữa các không gian sử dụng trong nhà, ánh sáng luôn vừa đủ. Và đâu đó sẽ đan xen một vùng tối nhè nhẹ đủ để thị giác cảm nhận sự dễ chịu, tạo nên cảm giác mát mẻ, êm ái cho mọi thành viên trong một căn nhà ống nhiệt đới miền Nam Trung Bộ.
Thông tin công trình:
- Địa điểm: Nha Trang, Việt Nam
- Diện tích lô đất: 5×19.5 m
- Quy định: 5×15.5m – 3 tầng
- Hướng nhà: Hướng Tây
- Hoàn thành: 2015
- Đơn vị Thiết kế: Chơn.a
- Thiết kế: Nguyễn Công Toàn
- Cộng sự: Trần Kim Trọng, Phan Ngọc Danh
- Hình ảnh: Quang Trần